Chi tiêu dịp Tết

Trước – Trong và sau Tết là khoảng thời gian thư thả và đau đầu về tài chính mỗi cá nhân và một kế hoạch/chiến lược chi tiêu hợp lý là điều cần thiết.

Thư thả vì đây là khoảng thời gian mỗi người thường sẽ có dòng tiền “vào” nhiều hơn các thời điểm khác trong năm đến từ các khoản thưởng cuối năm, thưởng Tết… sau một năm lao động/làm việc vất vả, cần mẫn.

Tuy nhiên cũng theo đó là những cơn đau đầu do  suy nghĩ, tính toán để sử dụng khoản tiền đó trước những cám dỗ chi tiêu cuối năm khi hướng tới các mục tiêu về lâu về dài (tự do tài chính chẳng hạn!). Một điều rõ ràng là không phải ai cũng chịu trải qua vấn đề này, phần lớn sẽ sử dụng câu thần chú quen thuộc – “Tết mà” – trước khi tiêu hết, thậm chí … vượt quá con số này. Nhưng tôi tin rằng nếu bạn đã bỏ thời gian để đọc những dòng này thì chắc hẳn bạn cũng đã và đang có những cơn đau đầu này. Vậy một số điểm cần ưu tiên trong việc chi tiêu dịp này bao gồm:

Trả NỢ thẻ tín dụng

Mọi người thường nghĩ tôi sẽ khuyên tiết kiệm trước nhưng với dịp này tôi xin phép được ưu tiên trước hết việc thanh toán (đúng hạn và trước hạn) các khoản nợ trong thẻ tín dụng.

Rất nhiều khách hàng đến hỏi chúng tôi về khả năng sinh lợi của các kênh đầu tư. Tuy nhiên nếu bạn đang có một khoản nợ thẻ tín dụng thì hãy nhớ rằng lãi suất của các khoản này có thể lên đến 50%/năm. Tôi cam đoan rằng việc tìm kiếm kênh đầu tư nào sinh lợi cao hơn vài phần trăm cũng không thể nào bù đắp cho mức lãi vay chót vót này!

Điều lưu ý thứ hai: trong thời gian Tết, chúng ta được nghỉ Tết thì ngân hàng cũng nghỉ Tết (cả cây ATM bên đường cũng có thể nghỉ trước Tết!) gây ra trục trặc trong việc giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, tất bật công việc chuẩn bị có Tết cũng dễ khiến chúng ta… quên hạn trả nợ thẻ tín dụng. Và chắc chắn rằng ngân hàng dù nghỉ Tết cũng sẽ không quên tính lãi quá hạn của bạn đâu. Do đó, trước khi chi cho bất kỳ điều gì, bạn hãy trả các khoản nợ vay tín dụng sắp đến hạn và nếu sau khi chi mà vẫn còn dư hãy xem xét trả trước hạn để đưa số nợ “đặc biệt nguy hiểm” cho tài chính cá nhân này về số 0.

Tiết kiệm dài hạn

Tiết kiệm – điều không thể thiếu nếu bạn muốn đạt đến tự do tài chính. Để “giữ mình” trước sự cám dỗ của việc sở hữu một chiếc smart TV 8K mới hay đổi sang chiếc smartphone xịn hơn…, bạn nên chuyển ngay 10% thu nhập (trong trường hợp này là số tiền còn lại sau khi đã trả phần nợ thẻ TD) vào tài khoản tiết kiệm dài hạn của mình tại ngân hàng.

Lưu ý: đây là khoản “áp đáy hòm” của bạn đề phòng cho “những ngày mưa gió” về sau. Do đó, mặc dù lãi suất tiết kiệm của ngân hàng có thể không hấp dẫn bằng các kênh đầu tư khác nhưng bù lại nó sẽ cho bạn một lãi suất đều đặn, định kỳ và bạn gần như không cần lo ngại về biến động của thị trường!

Cũng theo đó, bạn cũng không nên quá chú trọng vào việc ngân hàng nào sẽ có lãi suất cao hơn mà hãy lựa chọn ngân hàng lớn, có uy tín mà bạn tin tưởng. Đồng thời, tôi luôn ưu tiên ngân hàng nào có chính sách hỗ trợ để tôi có thể gửi tiền tiết kiệm nhanh nhất nhưng ngăn cản hết tôi hết mình khi tôi rút tiền trước hạn (tính phí rút, mất phần lãi đã cộng,…). 

Chi tiêu hợp lý và Tái đầu tư

Cuối cùng, sau khi đã ưu tiên các khoản trên, chúng ta đã xác định được mình có thể tiêu xài bao nhiêu trong dịp Tết. Mỗi cá nhân, gia đình sẽ có nhu cầu khác nhau vào dịp Tết nên không có một công thức chung đồng nhất nào cả. Bản thân tôi thường chi chủ yếu cho các loại nhu yếu phẩm và trang trí trong gia đình trước và sau đó là các khoản quà cáp để biếu người thân khác … và có thể là chi phí cho chuyến du lịch trong dịp Tết. Tôi cố gắng phân chia và kiểm soát các loại chi phí một cách hợp lý (ví dụ như không dành quá 10% số tiền còn lại cho các khoản hưởng thụ khi các khoản chi thiết yếu vẫn chưa đủ) 

Và nếu sau Tết mà số tiền vẫn còn lại một khoản (thật may mắn!) thì đó mới là khoản dành cho việc tái đầu tư, tìm kiếm kênh đầu tư đem lại lợi nhuận bền vững trong dài hạn.

Tại sao không tái đầu tư trước? Chẳng may tôi “lỡ” tiêu hết vào dịp Tết thì sao?

Chắc hẳn bạn đang có thắc mắc như vậy. Triết ý của CIM trong việc đầu tư là bền vững và dài hạn. Nếu như bạn đầu tư khi các khoản chi tiêu cần thiết cho cuộc sống hàng ngày vẫn bị thiếu hụt thì chắc chắn rằng việc đầu tư sẽ không bền vững hay kéo dài. Trong trường hợp tài khoản của bạn trống trơn sau Tết thì:

  1. Hãy rà soát lại các khoản chi tiêu và cắt xén bớt các khoản chi tiêu không cần thiết.
  2. Nếu bạn chắc chắn rằng các khoản chi tiêu là cần thiết thì bạn cần tăng thêm thu nhập chủ động của mình! Hãy đặt mục tiêu phát triển nguồn thu nhập chủ động của mình trong năm sau.
  3. Và hãy nhớ rằng bạn đã có một phần tiết kiệm ở trên!

 

Cuối cùng, hãy nhớ rằng chúng ta cố gắng tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và đầu tư khôn ngoan cho tương lai chứ không phải sống “ki bo” hay “thắt lưng buộc bụng” trong mọi trường hợp.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now If you Instered
chat-active-icon