Tại Sao Chúng Tôi Hay Nói Về Doanh Nghiệp?

Nếu bạn tự cho rằng mình đã có kinh nghiệm vài năm trong ngành đầu tư thì tôi sẽ thẳng thắn mà nói rằng: Đó có thể chỉ là bạn đã ở trong thị trường khá lâu mà thôi.

Tôi biết những gì tôi vừa nói là rất thẳn thắng nhưng sự thật thì hầu hết những người tự nhận mình là nhà đầu tư lỗi lạc trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều giống nhau. Họ thường nói về thị trường hôm nay xanh hay đỏ, giá cổ phiếu hôm nay lên hay xuống nhiều hơn là nói về những doanh nghiệp đứng đằng sau những cổ phiếu mà họ đang sở hữu.

Thực chất, dùng hai từ “sở hữu” ở đây có lẽ không chính xác. Họ, ngay từ đầu, đã không hề có ý định sở hữu bất cứ thứ gì. Điều duy nhất mà họ quan tâm là khi mua vào cổ phiếu thì ngay lập tức nó phải đi lên và sẽ bán ra ngay sau đó để nhận về một khoản chênh lệch.

Phương pháp duy nhất mà những “chuyên gia” này sử dụng để mua hay bán một cổ phiếu là “vẽ đồ thị giá” – Một phương pháp mà người ta hay gọi là Phân tích kỹ thuật – chứ không phải là doanh nghiệp đang kinh doanh cái gì? Tại sao họ sẽ thành công mà không phải là một đối thủ khác? Điều gì có thể gây hại trực tiếp, gián tiếp đến chính doanh nghiệp đó. Thậm chí, một số người còn chẳng quan tâm đến những điều này và lao đầu vào những cổ phiếu “rác”.

Tôi, một người đã từng có hơn nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và áp dụng phân tích kỹ thuật vào đầu tư, khẳng định phương pháp đó không sai nhưng không hề phù hợp với rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân như chúng ta.

Điều đáng thú vị ở đây là hiện tại nhiều người khi  bắt đầu đặt chân vào thị trường chứng khoán thì điều đầu tiên họ nghĩ là “Làm thế quái nào để có thể kiếm được những khoản lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn”. Và vì không phải ai cũng có những kiến thức tài chính chuyên sâu nên công cụ duy nhất họ lựa chọn chỉ có thể là “Phân tích kỹ thuật”. Vì nó rất trực quan và dễ “sử dụng” nhưng đại đa số thì lại đang “lạm dụng”.

“Nếu không làm chủ được tâm trí của mình, đừng mơ đến chuyện kiếm tiền.” – Warren Buffett

Công ty vẫn hoạt động khi thị trường chứng khoán đóng cửa

Thị trường chứng khoán có một thứ thú vị được gọi là “kỳ vọng”. Nó như một thực thể mà chúng ta hay thường gọi là “Ngài thị trường”. Ngài thị trường có cảm xúc, có buồn, có vui và có kỳ vọng to lớn vào tương lai bất định. Con người chúng ta có một khả năng đặc biệt, chính là tưởng tượng. Chúng ta sẽ thậm chí tưởng tượng ra những thứ không có thật hàng ngày và rồi dần dần tin tưởng rằng nó sẽ xảy ra. Đó là kỳ vọng.

Chúng tôi thì khác. Chúng tôi thích nói về những thứ có thật hơn. Chính là doanh nghiệp đằng sau mỗi cổ phiếu và nghiên cứu thật kỹ xem họ đang làm gì với tiền của cổ đông.

Nhà quản lý quỹ vĩ đại Peter Lynch đã từng nói: “Luôn luôn có một doanh nghiệp đằng sau mỗi cổ phiếu”. Và việc doanh nghiệp đang làm gì, hoạt động ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ. Không sớm thì muộn.

Điều này hoàn toàn đúng. Cứ mỗi khi doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thì ngay lập tức thị trường sẽ phản ứng trực tiếp bằng cách mua vào hoặc bán ra cổ phiếu đó. Bởi vì, một cách hiển nhiên, cổ phiếu sẽ đại diện cho một phần của doanh nghiệp.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Những điều mà chúng tôi quan tâm còn lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận hàng tháng, hàng quý, thậm chí là hàng năm của doanh nghiệp.

Cách Amazon tạo ra sự khác biệt                                            Nguồn: FourWeekMBA.com

Chúng tôi muốn nói đến mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp đó theo đuổi. Thử hỏi nếu những doanh nghiệp thương mại điện tử toàn thua lỗ siêu lớn thì tại sao tỷ phú số 1 thế giới, Jeff Bezos, lại thành lập Amazon. Đằng sau mô hình kinh doanh của Amazon mới là thứ đáng được quan tâm.

Amazon đang theo đuổi một mô hình kinh doanh tuyệt vời mà ở đó cho phép họ chiếm dụng vốn số lượng lớn của nhà cung cấp trong thời gian dài nhằm tận dụng để đầu tư. Mặc cho biên lợi nhuận ròng hàng năm của công ty chỉ đạt khoảng từ 1%-3%, lợi thế kinh doanh này là một trong những nhân tố quan trọng đã giúp Amazon trở thành tập đoàn số 1 thế giới và ông chủ của nó thì đang ngự trị trên đỉnh cao nhất.

Đây chính xác là điều thú vị của đầu tư chứ không phải giá cổ phiếu lên hay xuống hàng ngày. Tất nhiên, sự thành công của Amazon còn được đóng góp bởi nhiều yếu tố khác nhưng rõ ràng nếu chúng ta chỉ trông chờ vào những báo cáo lợi nhuận hàng quý hay những đợt lên xuống của giá cổ phiếu thì hẳn nhiều chúng ta sẽ không bao giờ mua được Amazon ở mức giá thấp trong quá khứ, thậm chí còn bị “Ngài Thị Trường” liên tục đùa cợt với chúng ta hết lần này đến lần khác.

Điều chúng tôi đang làm hàng ngày

  • Không ngừng tìm kiếm những doanh nghiệp có nền tảng, lợi thế kinh doanh vượt trội.
  • Nghiên cứu thật kỹ càng mô hình mà doanh nghiệp đó đang theo đuổi để tìm ra những lợi thế cũng như những dấu hiệu khả nghi có thể ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.
  • Phân loại doanh nghiệp theo đúng thời kỳ phát triển cũng như mở rộng của nó nhằm đánh giá tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
  • Kết quả, chúng tôi quyết định chọn mức giá sẵn sàng trả cho doanh nghiệp đó. Miễn sao, tại mức giá đó chúng tôi nhìn thấy được sự tự tin nắm giữ trong thời gian dài trên cơ sở đánh giá những rủi ro tồi tệ nhất có thể xảy ra. Cuối cùng, chúng tôi sẽ chuẩn bị những phương án cần thiết cho những sự kiện lường trước và cả không lường trước như vậy.
  • Quản trị rủi ro: Không phải là việc cắt lỗ khi khoản đầu tư rớt xuống 10%, 15% hay 20%. Đó là việc chúng ta phải làm trước cả khi có ý định giải ngân vào khoản đầu tư đó. Việc chọn đúng giá mua sẽ giải quyết phần lớn những quyết định còn lại, kể cả việc bán cổ phiếu đó ra.

Nếu bạn đọc được bài này và thật sự xem đầu tư là một việc nghiêm túc, hãy nhìn lại thật kỹ phương pháp đầu tư của chính mình. Đừng chạy đua với thị trường. Bạn sẽ chẳng bao giờ chiến thắng.

Xin chào và hẹn gặp lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now If you Instered
chat-active-icon