Nếu bạn đã tham gia đủ lâu trong thị trường chứng khoán, bạn chắc hẳn đã trải qua ít nhất một lần cái cảm giác sợ hãi khi thị trường giảm, giảm một cách thảm hại. Và bạn chỉ nhớ về những dòng tin xuất hiện ở trang báo về thị trường hôm nay giảm/tăng đột biến ra sao… Nếu cảm giác đó chỉ diễn ra một, hai lần thì bạn thật may mắn! Nhưng nếu cảm xúc này cứ mãi diễn ra hết lần này đến lần khác, tháng này qua tháng nọ, năm này đến năm khác thì bạn nên ngay lập tức dừng ngay cuộc chơi lại vì bạn sẽ không bao giờ chiến thắng.
Tỉnh táo trước khi hành động
Hãy cùng nhìn lại quá khứ một chút. Bạn sẽ thấy một ngày tồi tệ nhất của thị trường sẽ diễn ra khi chỉ số VNINDEX giảm mạnh đến 20 – 30 điểm mà chẳng vì bất cứ lý do gì. Đôi lúc có một vài lý do nhưng đa phần là gượng ép. Tất cả các cổ phiếu lớn nhỏ trên thị trường cùng giảm điểm một cách điên rồ. Chẳng còn chút hi vọng nào. Bạn bắt đầu nháo nhào lên, luống cuống cầm điện thoại gọi một cách vô thức đến người môi giới, những người anh em chiến hữu của bạn… để tìm hiểu xem “chuyện quái gì đang diễn ra?”. Bạn sẽ nhận được những lời giải thích “có vẻ hợp lý” đi kèm với một lời khuyên kinh điển: “Hãy bán đi!”. Bạn cảm giác như không còn đủ thời gian và sự minh mẫn để ra quyết định nữa. Cuối cùng, để chấm dứt sự căng thẳng bạn chọn cách mà hầu hết mọi người sẽ chọn: “BÁN HẾT”
Đáng tiếc, lịch sử đã chứng minh điều ngược lại: bất cứ ai mua vào tại những thời điểm thị trường giảm mạnh và tiếp tục tin tưởng nắm giữ những công ty vượt trội và kinh doanh bền vững đều đã nhận được phần thưởng xứng đáng. Bên cạnh đó, những người quyết định bán khi bị cảm xúc lấn át như vậy thường sẽ chẳng bao giờ quay lại kênh đầu tư này. Một là vì họ đã quá sợ hãi, hai là họ đã lỗ rất nặng và chẳng bao giờ quay trở lại được.
Có thể, bạn sẽ cảm thấy khó chịu với câu chuyện và trả lời: “Chúng ta không biết điều gì có thể xảy ra tiếp theo đâu. Vì vậy chúng ta phải chọn điều tốt nhất có thể tại thời điểm đó chứ!”
Chính xác! Nhưng trước khi hành động điều gì hãy cố gắng loại bỏ sự hoảng sợ đang cố gắng chiếm giữ tâm trí và nhớ về những điều sau:
1. Bạn đang chơi cá cược trong ngắn hạn sao?
Có những người thực sự thích chú ý đến thị trường chứng khoán. Hầu hết mọi người đều không như vậy và chúng tôi cũng khuyên bạn không nên! Nhưng nếu bạn thực sự việc tìm kiếm niềm vui trong việc mua – bán các cổ phiếu/chứng khoán liên tục, ĐỪNG đánh cược tiền trong khoản hưu trí của bạn!
Thay vào đó, bạn hãy dùng một khoản tiền từ quỹ “vui chơi” (tách bạch và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tài sản của bạn) để tận hưởng niềm vui này.
Dù bạn nghĩ bạn biết mình đang làm gì (và kể cả khi bạn chắc chắn về điều này), bạn có thể sẽ mất rất nhiều tiền khi cố gắng đoán định Quý Ngài Thị Trường. Đặc biệt nếu bạn sử dụng đòn bẩy, hoặc nợ (vay margin) để mua bán cổ phiếu thì bạn có thể sốc với số tiền mình có thể mất. Chưa kể đến các loại phí dịch vụ phải trả cho các bên liên quan (công ty chứng khoán, sàn giao dịch…) và thuế phải trả khi thực hiện các giao dịch. Chí ít, bạn có thể hạn chế tổn thất tốt hơn những người khác.
2. Bạn đang đầu tư cho tương lai?
Nếu bạn xác định đầu tư lâu dài (10 đến 15 năm) (cho mục tiêu nghỉ hưu chẳng hạn), có lẽ bạn không nên lo lắng về những gì thị trường biến động vào một ngày nhất định.
Việc đầu tiên chính là xác định trước khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân và phân bổ tài sản một cách hợp lý. Sau đó mới đến việc xây dựng một danh mục đầu tư mà bạn cảm thấy phù hợp nhất. CIM hoàn toàn có thể giúp bạn thực hiện điều này, bạn chỉ cần đặt hẹn với CIM tại đây.
Khi đã phân bổ xong, chắc chắn bạn sẽ có một sự an tâm hơn nhiều khi bạn không “dồn toàn bộ trứng vào một rổ“. Tiếp theo, thay vì ngẫu nhiên theo dõi thị trường, bạn có thể lựa chọn một ngày cố định hàng quý/năm để xem xét liệu danh mục đầu tư của bạn có đang chiếm tỷ trọng cao/thấp hơn so với mục tiêu đề ra, và thực hiện tái cơ cấu nếu cần. Sau đó, bạn không thực sự cần (và không nên) quan tâm đến thị trường biến động ra sao trong thời gian còn lại.
Giả sử bạn muốn giữ 50% tài sản ròng ở bất động sản (nhà đất), 30% ở cổ phiếu và 20% còn lại vào các tài sản dài hạn khác (hợp đồng bảo hiểm chẳng hạn). Khi bất động sản có một năm tuyệt vời và tăng nhanh hơn các tài sản khác. Tỷ trọng cổ phiếu trong tài sản lùi về 25%, bạn thực hiện tái cơ cấu bằng cách bổ sung thêm tiền vào danh mục cổ phiếu để gia tăng tỷ trọng về lại mức 30% như đã đề ra.
Điểm mấu chốt của các nhà đầu tư nghỉ hưu: trừ khi hoàn cảnh cực đoan (thị trường năm 2008 ở Mỹ, 2009-2010 ở Việt Nam chẳng hạn), hầu hết chúng ta không cần phải chú ý nhiều đến các biến động ngắn hạn của thị trường. Tăng-giảm và lên-xuống chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng nếu tài sản của bạn vẫn được phân bổ đúng theo mục tiêu dài hạn thì bạn có thể vượt qua tâm lý lo sợ đến từ sự thay đổi của Quý ngài Thị Trường. Nếu bạn đã phân bổ tài sản một cách hợp lý, bạn hoàn toàn có thể mặc kệ các dòng tin tức hay bản tin tài chính hàng ngày.